top of page
  • Writer's pictureNhut Pham

BIM và mùa thu của sự thay đổi

Hà Nội tháng 11 lá vàng rợp bóng cây, mùi hoa sữa nồng nàn và trời trở lạnh với từng đợt gió mùa là những dấu hiệu rõ nét của mùa thu Hà Nội. Mùa thu Hà Nội tạo nên một khung cảnh giàu cảm xúc và có phần trầm lắng, vốn mang lại nguồn cảm hứng sáng tạo trong giới nghệ thuật.



Tuy nhiên,

năm nay đối với những người có liên quan tới ngành xây dựng thì mùa thu Hà Nội lại mang lại một bầu không khí khác hẳn với thu truyền thống, nóng hổi và đầy sôi động! Một chương trình đào tạo tổng quan về BIM đã được Ban Chỉ Đạo BIM của Bộ Xây Dựng tổ chức dành cho ban quản lý dự án của các doanh nghiệp nhà nước và của đại diện các Bộ Xây Dựng, Giao Thông Vận Tải, Công Thương và Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn. Chương trình đào tạo cơ bản này bao gồm:

  • Giới thiệu tổng quan về ý nghĩa, lợi ích và các thách thức khi triển khai BIM,

  • Kế hoạch và Lộ trình triển khai BIM cho hoạt động xây dựng ở Việt Nam,

  • Chiến lược áp dụng BIM trong tổ chức,

  • Chiến lược áp dụng BIM trong dự án dành cho đội ngũ quản lý dự án.


Để thúc đẩy việc ứng dụng sâu rộng những công nghệ mới như BIM cần có cách tiếp cận từ trên xuống, tức là triển khai BIM sẽ là một yêu cầu bắt buộc từ chính phủ và được lãnh đạo tổ chức chỉ đạo thực hiện. Đối với ngành xây dựng ở Việt Nam, những văn bản được đưa ra gần đây của Bộ Xây Dựng đã mở ra cánh cửa cho việc ứng dụng BIM rộng rãi trong tương lai.


Phần tiếp theo của hành trình BIM sẽ phụ thuộc vào mức độ hưởng ứng và tiếp nhận của thị trường đối với không gian mới được mở ra này. Và với bầu không khí thảo luận đầy sôi nổi của đông đảo thành viên từ cấp lãnh đạo, trưởng ban tới các kỹ sư thuộc các bộ phận khác nhau của các ban quản lý dự án từ mảng dân dụng, hạ tầng và năng lượng trong suốt hai tuần diễn ra chương trình đã cho thấy sự đón nhận đầy tích cực từ khối nhà nước dành cho việc triển khai BIM rộng rãi.



Không chỉ những lợi ích mang lại cho dự án

từ việc áp dụng BIM đã được nhận thức rõ, những hoạt động ứng dụng BIM cụ thể cũng như những khó khăn khi triển khai BIM ở các loại hình dự án khác nhau đã được chia sẻ thẳng thắn. Những khúc mắc khi áp dụng BIM cũng đã được nhiều thành viên nêu lên như:

  • Quy trình phê duyệt hồ sơ bản vẽ như thế nào khi triển khai BIM?

  • Sản phẩm bàn giao khi làm BIM sẽ là gì, bản vẽ, mô hình hay là cả hai?

  • Chi phí thực hiện BIM được tính như thế nào? Mô hình BIM sau thi công sẽ được bàn giao cho ai quản lý?

  • Hợp đồng dự án thay đổi thế nào khi làm BIM?

  • Ai là người tạo ra, và quản lý Môi trường dữ liệu chung (CDE)?

  • Dựa vào tiêu chuẩn nào để đưa ra yêu cầu về mô hình và làm cách nào để kiểm tra chất lượng của mô hình thông tin?


Nhiều bài học kinh nghiệm cũng đã được chia sẻ

từ các đồng nghiệp trong và ngoài nước đi trước trong việc triển khai BIM để giải quyết các khó khăn trên. Từ việc lựa chọn mức độ áp dụng BIM phù hợp, sử dụng tiêu chuẩn LOD nào, soạn yêu cầu làm BIM như thế nào, cách tổ chức môi trường dữ liệu chung đều đã được thảo luận cởi mở. Từ những nội dung trao đổi này, một kinh nghiệm then chốt cũng đa được nhấn mạnh, đó là ở mỗi loại hình dự án hoặc doanh nghiệp có những đặc điểm khác nhau, sẽ có những phương án tiếp cận BIM khác nhau dựa trên những nền tảng chung. Những nền tảng chung là những thay đổi ở 4 khía cạnh:

  • Chính sách – về pháp lý, hợp đồng, phương thức thực hiện dự án, hồ sơ mời thầu.

  • Công nghệ/kỹ thuật – lựa chọn phần mềm, phần cứng; tiêu chuẩn kỹ thuật đánh giá chất lượng mô hình; sở hữu trí tuệ; bảo mật thông tin.

  • Quy trình – trình tự thực hiện việc thiết kế, phê duyệt, thi công, hoàn công; quy trình quản lý, trao đổi thông tin.

  • Con người & các kỹ năng – trách nhiệm, vai trò của các bên; những kỹ năng mới của người lao động; cách thức đánh giá thưởng phạt.

Và diễn ra ở ba cấp độ: Quốc gia, Tổ chức, và Dự án.

Để triển khai BIM thành công,

tổ chức ở các cấp độ cần đảm bảo những thay đổi ở 4 phạm vi trên để tạo ra được một môi trường làm việc thúc đẩy sự cộng tác, đối thoại và phối hợp (collaboration, communication, coordination) giữa các bên liên quan trong dự án. Nhằm nâng cao chất lượng của các quyết định được đưa ra xuyên suốt quá trình thực hiện dự án, dựa trên những thông tin được tạo ra một cách chính xác, được quản lý hiệu quả và chia sẻ đúng lúc.


Một kế hoạch triển khai BIM rộng rãi đã và đang được thực thi với những hoạt động hỗ trợ liên tục thời gian qua của ban chỉ đạo BIM quốc gia, khối nhà nước đang có cơ hội lớn để bứt phá để dẫn dắt việc thay đổi hướng tới chuyển đổi số cho ngành xây dựng.


Chặng đường ứng dụng BIM vẫn còn dài ở phía trước,

tuy nhiên “hành trình ngàn dặm luôn bắt đầu với bước chân đầu tiên” (Lão Tử). BIM đã được đón nhận và khởi động ở cấp độ chính phủ, và nay BIM chào đón sự tham gia sôi nổi của khối doanh nghiệp nhà nước. Những kết quả đáng khích lệ ban đầu này củng cố một niềm tin về một tương lai rộng mở với những thay đổi tích cực cho ngành xây dựng Việt Nam. Là một phần trong đội ngũ tiên phong thúc đẩy BIM ở Việt Nam từ những ngày đầu, THE BIM FACTORY với đội ngũ nhân sự giàu kinh nghiệm, luôn tin tưởng và sẵn lòng đóng góp để hiện thực hóa tương lai đó.


bottom of page