Ở các bài trước, chúng ta đã biết BIM-Model/Modeling là gì, và không phải là gì. Đó là những khái niệm cơ bản khởi đầu cho nghề làm BIM. Tuy nhiên ngoài khả năng diễn họa 3D, mục đích và lợi ích của BIM lớn hơn thế.
Hãy xem định nghĩa về BIM mà bấy lâu nay ít được loài người quan tâm:
"BIM-Building Information Management là quy trình thiết kế, thi công, và vận hành công trình có sử dụng mô hình BIM. Bằng việc tham chiếu, khởi tạo và trao đổi các mô hình kỹ thuật số có chứa dữ liệu thông minh, Building Information Management là quy trình duy trì và cộng thêm giá trị trong suốt vòng đời của một công trình và những bộ phận của nó."
theo UK BIM Task Group, 2013*
Từ định nghĩa trên, anh em có thể loại trừ những quy trình chưa phải là Building Information Management, khi:
1. Nó không sử dụng mô hình BIM.
Nghe thật hiển nhiên! Không dựng hình BIM thì sao gọi là làm BIM?
Tuy nhiên, có những quy trình BIM không bắt buộc phải dựng mô hình BIM từ đầu, mà chỉ cần có mô hình BIM để xài là đủ.
Ví dụ: quy trình áp dụng BIM để quản lý vận hành công trình của BIM Manager các công ty quản lý bất động sản như CBRE, Savills, JLL, VSIP... Khi này, anh em sẽ nhận lại mô hình BIM từ nhà thầu hoặc chủ đầu tư sau khi hoàn công để quản lý vận hành, chứ ít khi phải dựng thêm hoặc sửa đổi mô hình, trừ khi tòa nhà cần cải tạo.
2. Có sử dụng mô hình BIM nhưng chưa phối hợp BIM với anh em khác.
Nó còn có tên khác là "BIM cô đơn" (lonely BIM). Tỏi cô đơn chỉ có ở Lý Sơn, chứ còn BIM cô đơn thì đã bén rễ khắp mọi miền quê 😂 Đó là một thực trạng nhưng cũng là một giai đoạn phát triển của nghề BIM không chỉ ở Việt Nam, khi nhà nhà đều nuôi con BIM, trồng cây BIM, nhưng mà "Ăn cây nào thì rào cây ấy".
Việc làm BIM độc lập dẫn đến tình trạng các bên đều làm BIM nhưng mà mỗi bên làm một kiểu, để rồi "mô hình này không dùng được đâu, phải dựng lại từ đầu". Cuối cùng người chịu thiệt có lẽ là Chủ đầu tư vì phải gánh vác những chi phí BIM không đáng có.
3. Làm BIM có phối hợp nhưng anh em chưa có mục tiêu rõ ràng.
Các nhóm làm BIM của dự án không biết mục tiêu cuối cùng sau khi triển khai BIM là để đạt được cái gì.
Một ví dụ thường xảy ra: từ tư vấn đến nhà thầu đều sử dụng Revit để dựng mô hình và ra bản vẽ, sau đó chia sẻ mô hình BIM và làm việc nhóm qua BIM360/ BIMCloud/ Revizto hoặc Google Drive/One Drive... Nhưng sau đó, mọi người không biết sẽ dùng tập hợp các mô hình BIM này để làm gì: kiểm tra va chạm thiết kế, bóc khối lượng...
Dễ nhận thấy nếu không xác định ngay từ đầu là sẽ áp dụng BIM để bóc khối lượng theo mẫu BOQ của dự án, thì chắc chắn anh em sẽ phải sửa lại mô hình, phân tách lại cấu kiện, gán lại thông số... để xuất khối lượng cho đúng.
Còn nếu dựng hình xong mới biết cần kiểm tra va chạm thì khi phối hợp BIM, các mô hình sẽ bay tán loạn. Anh em nào không biết kỹ thuật để sửa thì chắc phải dựng lại từ đầu.
Đây là lý do tại sao slogan của THE BIM FACTORY là "BIM Starts at the End.". Trước khi làm BIM thì phải biết trước mục tiêu của mình.
4. Chưa có ai chịu trách nhiệm quản lý thông tin BIM cho dự án của anh em.
Việc quản lý thông tin BIM bao gồm: định nghĩa các yêu cầu thông tin đầu vào, lý do và mục đích yêu cầu các loại thông tin này, tiến độ các giai đoạn nhập liệu thông tin vào mô hình, và các bên nào chịu trách nhiệm nhập thông tin gì...
Tất cả nên được thể hiện trong Hồ sơ Yêu cầu Thông tin của Chủ đầu tư (Employer's Information Requirements - EIR).
Ví dụ rất thường thấy là mỗi khi làm BIM, anh em chúng ta rất hay đắm chìm vào việc Dựng mô hình BIM, tức phần nhìn, nhưng thật sự ít quan tâm đến việc Phát triển mô hình BIM, tức bao gồm cả việc nhập liệu, quản lý, và truy xuất thông tin.
Đọc xong đến đâu mà trúng đến đó, thì nghĩ thật đau lòng cho cái nghề BIM. Thật ra việc làm BIM của anh em mà có giống như 4 ý trên thì hoàn toàn KHÔNG có gì sai trái hay căng thẳng ở đây. Vì cậu bé BIM của Việt Nam chỉ mới chập chững những bước đi đầu tiên mà thôi.
Good things, thì phải take time.
Phạm Minh Nhựt
THE BIM FACTORY
Comments