Qua bài trình bày vừa rồi của TBF mình, anh em cũng đã thấy được bản chất các ứng dụng BIM, và con đường mình đi tìm BIM.
Thật ra 6 năm chưa là gì đối với BIM, nhất là với cái ngành xây dựng này. Nhưng sẽ là lãng phí cho anh em, người quản lý chuyên môn, quản lý doanh nghiệp phải bỏ ra để mò lại từ đầu.
Hành trình đi tìm hiểu BIM thì giống chinh phục một ngọn núi, từ chân đến đỉnh. Càng lên cao, là càng lược bỏ những hào nhoáng bên ngoài của công nghệ và hình họa, để nắm bắt được cái cốt lõi cơ bản.
Nhưng để triển khai BIM hiệu quả, thì ta chỉ cần làm ngược lại, từ đỉnh xuống chân, từ cốt lõi đi ra.
Vậy sau đây, là mô hình triển khai BIM hiệu quả.
Hiệu quả là để trước mắt nắm bắt được cơ hội làm BIM đang nở rộ từ các CĐT, là thực sự giúp họ tiết kiệm thời gian, tiền bạc.
Rồi về lâu dài, CĐT sẽ có nhu cầu nhiều hơn, doanh thu tăng thêm sẽ quay lại nuôi đội BIM. Rồi tiếng lành đồn xa, người hiểu BIM sẽ hứng thú mà tự tìm đến.
Hiệu quả là cho người thực sự muốn làm, và làm đúng cách. Cho người chấp nhận khởi đầu nhỏ, nhưng dám kiên nhẫn đầu tư. Cho người tin tưởng về một con đường tiến về phía trước.
Đầu tiên, cần phải làm rõ mục tiêu triển khai BIM là gì. Đây là gốc của vấn đề.
Đòi hỏi nhiều thì phải đầu tư nhiều, quy mô phức tạp, yêu cầu năng lực cao. Đòi hỏi vừa đủ nhưng nâng chuẩn từ từ thì sẽ bền vững. Và mục tiêu là làm sao hài hòa giữa nhu cầu của công ty và của CĐT.
Vậy làm sao để rõ mục tiêu?
Process of elimination.
Cái không muốn, quan trọng gấp trăm lần cái muốn. Cứ liệt kê hết ra. Rồi lược bớt mấy cái tương tự nhau. Rồi xếp thứ tự. Rồi chọn 3 cái đầu tiên.
Một số mục tiêu gợi ý cho anh em:
- Giảm lỗi thiết kế và thời giờ đi sửa lỗi
- Giảm phát sinh khi thi công
- Giảm thời gian xử lý sự cố vận hành
- Giảm chi phí tiêu hao điện nước mỗi tháng
Cách đơn giản hơn nữa? Đi hỏi CĐT xem họ mong muốn thỏa mãn điều gì, rồi chọn làm mục tiêu cho mình.
Để đạt mấy mục tiêu ấy thì thứ hai, là thiết kế các quy trình phù hợp để triển khai BIM.
Cơ bản là anh em cần 03 loại đầu vào để ra được quy trình:
1. Các ứng dụng BIM
2. Các bên phối hợp
3. Các chuẩn đầu ra
Phải chọn ứng dụng BIM nào giúp thỏa mãn mục tiêu. Nhớ là chọn nhé, chọn đúng và đủ. Chọn dư sẽ đầu tư tràn lan, chọn thiếu thì làm không tới.
Rồi định hình ai sẽ cùng phối hợp BIM và năng lực của họ. Biết năng lực để gán vai trò cho đúng: hỗ trợ, hay khởi tạo mô hình, hay dẫn dắt một vài/ toàn bộ các ứng dụng BIM. Và cách trao đổi thông tin với nhau sao cho trơn tru.
Và chuẩn đầu ra (BIM specs) là gì, có những bộ môn nào, mỗi bộ môn dựng cái gì và không dựng cái gì, theo những cấp độ LOD nào... Có chuẩn thì có cơ sở nghiệm thu.
Tổng lại, ta có các quy trình triển khai các ứng dụng BIM. Gọi là thiết kế vì mỗi dự án khả năng có các ứng dụng BIM, các bên phối hợp, và chuẩn đầu ra khác nhau.
Rõ cách làm rồi thì tiếp theo, lấy gì làm?
Thời gian x Con người x Công nghệ => Tiền bạc
Tiến độ, lấy CĐT/ Khách hàng làm chuẩn.
Áp mấy quy trình vào, ra được bảng công tác.
Rồi gán đúng người cho từng công tác, ra yêu cầu nhân lực.
Biết cần mấy người, sẽ biết cần bao nhiêu phần cứng, phần mềm.
Trừ đi năng lực nhân sự, công nghệ hiện có. Ra được mức cần đầu tư thêm: đào tạo/ tuyển mới, nâng cấp/ mua thêm...
Cuối cùng, mà đối với TBF là rất quan trọng, dự án triển khai BIM nào cũng phải có, là BIM Execution Plan - Kế hoạch Triển khai BIM. Đơn giản là phản ánh hết các ý trên thành một tập tài liệu rõ ràng.
Vì triển khai BIM là trò chơi đa môn phối hợp, nên mọi người phải hiểu rõ kế hoạch để thống nhất cùng làm. Thành ra viết BEP xong là để gửi cho mọi người đọc, và hướng dẫn làm cho đúng.
Và vì lâu dài có thay đổi nhân sự, hoặc do Covid kinh doanh khó khăn không thể duy trì đội BIM, thì đây là di sản để kế thừa tiếp nối.
Và để khi thi đấu dự án mới, thì không phải mấy cái chứng chỉ phần mềm, mà chính cái tài sản trí tuệ này là thứ chứng minh năng lực làm BIM thuyết phục CĐT nhất.
Triển khai BIM bền vững hay không, chính là ở đây.
Có đủ rồi thì chờ gì nữa, triển thôi.
Bắt đầu nhỏ, theo lộ trình, làm đến cùng, kế thừa giữa các thế hệ
Rõ nhé, 5 bước:
1. Chọn mục tiêu
2. Thiết kế quy trình
3. Hoạch định Nguồn lực
4. BEP
5. Làm!
Hy vọng anh em đã có kiến thức bổ ích, và ngộ ra lộ trình triển khai BIM phù hợp cho mình.
Nguyên tác: Phạm Minh Nhựt
Đồ họa: Võ Trí Cường
THE BIM FACTORY
Commentaires